Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải được biết đến là với sáng chế "mắt thần" được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt hàng tại buổi găp gỡ giữa Thủ tướng với các nhà khoa học hôm 11/9. Cũng con người đó, sáng chế đó, nhưng trước đây ít ai quan tâm, nay trở thành hiện tượng. Vì sao vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã có một động thái
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã có một động thái "tiếp thị khoa học" đúng lúc và đúng nơi.
Đó chính là tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã có một động thái “tiếp thị khoa học” đúng lúc và đúng nơi.
Trong một buổi tiếp xúc quan trọng với người đứng đầu Chính phủ, anh đã báo cáo cụ thể về công trình khoa học của anh. Thủ tướng có ấn tượng với “mắt thần” bởi vì sản phẩm đó ứng dụng được vào cuộc sống, mang lại “đôi mắt” cho người khiếm thị.
Điều này cho thấy, các nhà khoa học không chỉ ngồi im trong lâu đài mộng mơ của mình, mà phải xông ra cuộc sống, đối mặt với thực tiễn, giới thiệu với người dân, doanh nghiệp những sản phẩm trí tuệ.
“Tiếp thị khoa học” là một hoạt động tích cực, bởi lẽ, sản phẩm trí tuệ cũng cần phải tiếp thị như bất cứ sản phẩm hàng hoá nào khác.
Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng chưa có chính sách phù hợp để kích thích, hỗ trợ sáng tạo, cho nên không khai thác hết nguồn tài nguyên chất xám từ các nhà khoa học.
Quan điểm này chỉ đúng một phần, vì sự vận động của cá nhân mang tính quyết định cho sự thành công hay thất bại của sản phẩm khoa học. Sản phẩm làm ra nhưng chỉ có giá trị trang trí, chỉ bổ sung vào danh sách các công trình “nguỵ khoa học” cho dày thêm, dài thêm nhằm thoả mãn thói hư danh thì chẳng ai cần đến.
Đã là sản phẩm phục vụ cho hư danh thì xa lạ với hiện thực, thoát ly khỏi đời sống, như vậy thì không chính sách nào cứu được.
Để có những sản phẩm khoa học có giá trị, trước hết chính các nhà khoa học phải loại bỏ tư duy bao cấp khoa học, mà thay vào đó bằng tính năng động của thị trường.
Các nhà khoa học phải chủ động tiếp thị công trình, đề tài của mình để xã hội biết tới. Các đề tài đó phải có giá trị, ứng dụng hữu ích cho quốc kế dân sinh thì nhà đầu tư là nhà nước hay tư nhân tất nhiên sẽ bị thuyết phục, và “con mắt thần” của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải là một ví dụ.
Doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ khoa học để sản xuất hàng hoá, cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài.
Các nhà khoa học hãy đến với nông dân trên ruộng đồng, với từng cơ sở sản xuất để biết được cuộc sống đang cần gì. Nếu như có những sản phẩm khoa học ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, chắc chắn sản phẩm đó sẽ được đón nhận. Sẽ không một doanh nghiệp nào từ chối một sản phẩm khoa học nếu như sản phẩm đó mang lại lợi ích thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, để tạo ra được một sản phẩm khoa học không chỉ là chất xám của thiên tài, mà còn phải có đủ tiền làm công cụ thực hiện. Chính vì vậy, các nhà khoa học rất cần sự đặt hàng từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với từng công trình, sản phẩm cụ thể.
Sự đầu tư tài chính cho những công trình thiết thực để tạo ra giá trị thực, cộng đồng xã hội có thể sờ được, nắm được, thụ hưởng được những giá trị thật do sản phẩm khoa học tạo ra.
Sẽ không còn chỗ cho các loại cơ hội khoa học chen vào một khi lấy sự thật làm nền tảng. Khoa học không bao giờ đồng hành với sự dối trá.
Đã đến thời của tiếp thị khoa học, đặt hàng và mua hàng thật. Không ai bỏ tiền để mua những thứ chỉ đút vào ngăn kéo.